Những thương vụ sai lầm đắt giá của Warren Buffet

0

Khi nhắc đến Warren Buffett – một huyền thoại trong giới đầu tư với khối tài sản lên tới 85 tỷ USD (2019), ông đã trở thành người giàu thứ ba thế giới. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn rất nổi tiếng với sự kiên định trong triết lý đầu tư theo giá trị cũng như lối sống giản dị, tiết kiệm dù sở hữu khối tài sản khổng lổ. Cuộc đời và sự nghiệp của Warren Buffett trở thành đề tài của nhiều nghiên cứu và là nguồn cảm hứng bất tận của giới học thuật cũng như giới đầu tư. Nói đến ông không thể không nhớ đến những thương vụ mua bán và sáp nhập đình đám, mang lại cho Warren Buffett những đồng lợi nhuận khổng lồ.

Tuy nhiên, Trong suốt 75 năm, Buffett cũng mắc một số sai lầm nghiêm trọng và có một sai lầm mà ông tuyên bố cuối cùng đã khiến ông thiệt hại ước tính khoảng 200 tỷ đô la!. Điều quan trọng là ông dám thẳng thắn thừa nhận và học hỏi từ những sai lầm đó để cải thiện quyết định đầu tư về sau. Sau đây là những sai lầm đắt giá nhất của ông ấy:

Video những thương vụ sai lầm đắt giá của Warren Buffet

Tóm tắt những thương vụ sai lầm đắt giá của Warren Buffet

  1. Berkshire Hathaway (1962)

Đây thực sự là thương vụ điển hình về sai lầm và cách sửa chữa sai lầm của Warren Buffett. Lúc đó, ông đã biết rằng ngành sản xuất dệt may không có triển vọng nhưng vẫn bị hấp dẫn vì giá có vẻ rẻ. Chiến lược đầu tư kiểu này mang lại lợi nhuận khá trong những năm đầu sự nghiệp Warren Buffett.

Trong cuộc phỏng vấn với Becky Quick trên đài CNBC vào năm 2010, tỷ phú Warren Buffett cho biết, cổ phiếu ngớ ngẩn nhất mà ông từng mua lại chính là cổ phiếu của Berkshire Hathaway.

Ngày nay, Berkshire Hathaway là một trong những công ty lớn nhất trên thế giới, và rất nhiều trong số 200 cổ đông của năm 1965 đã trở thành triệu phú trong vòng 20 năm Buffett nắm giữ việc kinh Doanh, nhưng không còn hoạt động trong ngành dệt may nữa. Tuy nhiên, thành quả này chủ yếu đến từ tài năng tận dụng nguồn tiền mặt tích lũy để đầu tư của warren Buffett, ông đã chấp nhận sai lầm và tự sửa sai bằng cách thâu tóm công ty và thực hiện theo cách của mình, điều mà hiếm có nhà đầu tư nào làm được.

Bài học: Là nhà đầu tư, đừng để cảm xúc chi phối quyết định đầu tư của bạn. Ông ước tính sai lầm này đã khiến ông thiệt hại khoảng 200 tỷ USD.

  1. Mua lại Waumbec Mills (1975)

Từng hối tiếc về thương vụ mua lại Berkshire năm 1962, thế nhưng ông Buffett lại đưa ra một quyết định tương tự vào 13 năm sau khi mua Waumbec Mills, một công ty dệt may khác ở New England.

Thừa nhận sai lầm của mình, Buffett tiết lộ mua lại Waumbec là một quyết định tồi tệ, vì nhà máy này đã phải đóng cửa không bao lâu sau khi bị Berkshire mua lại vào năm 1975.

Bài học: Cần phải rút kinh nghiệm từ những sai lầm trước đây để tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ. Khi đầu tư, nếu lần đầu bạn không thành công thì hãy chuyển sang một chiến lược mới.

  1. Mua cổ phiếu của US Airways

Thương vụ đầu tư vào hãng hàng không US Airways không nằm trong danh sách những thất bại đau đớn của tỷ phú Warren Buffett, nhưng ông vẫn hối tiếc về việc mua lại 358 triệu USD cổ phiếu của công ty này vào năm 1989.

Bài học: Dù là nhà đầu tư mới hay là một chuyên gia đầu tư lâu năm, hãy nghiên cứu thật kỹ mọi khoản đầu tư trước khi mua.

  1. Dexter Shoes (1993)

Dexter Shoe Company có một lịch sử lâu dài, có lợi nhuận, nhượng quyền thương mại lâu dài và quản lý tốt. Nói cách khác, đó là kiểu công ty chính xác mà Buffett thích.

Năm 1993, Warren Buffett mua lại Dexter Shoe Co. với giá 433 triệu USD bằng cổ phiếu của Berkshire. Khi thực hiện thương vụ, Buffett đánh giá Dexter có lợi thế cạnh tranh bền vững nhưng điều đó đã biến mất chỉ trong vòng vài năm. “Cho đến nay, Dexter là thương vụ tồi tệ nhất mà tôi từng thực hiện. Nhưng tôi sẽ còn mắc sai lầm nhiều hơn trong tương lai, rồi bạn sẽ thấy”, ông viết.

Trong thư gửi cổ đông năm 2007, ông đề cập đến quyết định tồi tệ này và thừa nhận nó đã khiến các nhà đầu tư lãng phí 3,5 tỷ USD. Vào thời điểm đó, số tiền này tương đương 1,6% tài sản ròng của Berkshire. Vào thời điểm Buffett viết thư gửi cổ đông 2014, số cổ phiếu này trị giá 5,7 tỷ USD.

Bài học: Một công ty đang ở thời kỳ đỉnh cao nếu nó có lợi thế cạnh tranh khả thi. Nếu không có lý do chắc chắn nào để khách hàng tiếp tục ủng hộ một thương hiệu, thương hiệu đó có khả năng thất bại.

Hãy đảm bảo các nguồn lực của bạn được phân bổ hợp lý. Nếu danh mục đầu tư hiện tại của bạn đang cho lợi nhuận tốt, đừng rút tiền từ những khoản đầu tư chắc chắn để chớp lấy cơ hội chưa chắc chắn.

  1. Không mua lại đài truyền hình Dallas-Fort Worth NBC

Không chỉ mắc sai lầm dẫn tới thiệt hại về tài chính, Buffett cũng từng bỏ lỡ một số cơ hội đầu tư. Một trong những tiếc nuối lớn nhất của ông là không mua lại đài truyền hình Dallas-Fort Worth NBC với giá 35 triệu USD.

Nhà đầu tư huyền thoại này cho biết Dallas-Fort Worth NBC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 73 triệu USD vào năm 2006 và vào thời điểm ông viết lá thư này, giá trị của công ty là 800 triệu USD.

Bài học: Hãy nắm bắt ngay lấy cơ hội tốt khi nó tới.

  1. Phát hành thêm cổ phiếu Berkshire để mua lại General Reinsurance

Thương vụ mua lại General Reinsurance (General Re) vào năm 1998 ban đầu không phải là quyết định tốt nhất đối với chiến lược đầu tư của tỷ phú Warren Buffett. Ông Buffett cuối cùng đã xoay chuyển được tình thế nhưng giờ ông lại có chút hối hận.

Trong thư gửi cổ đông năm 2016, ông viết: “Sau khi giải quyết được một số vấn đề ban đầu, General Re trở thành một công ty bảo hiểm tốt mà chúng tôi đánh giá rất cao. Tuy nhiên, khi đó tôi phạm phải một sai lầm khủng khiếp khi phát hành 272.000 cổ phiếu Berkshire để mua General Re, dẫn tới việc số cổ phiếu đang lưu hành của chúng tôi tăng 21,8%. Sai lầm này khiến các cổ đông của Berkshire phải chi nhiều hơn nhận”.

Bài học: Sửa chữa sai lầm của bạn một cách đúng đắn và sau đó tận hưởng phần thưởng của thành công.

  1. Không xem xét cẩn thận khi mua General Re-insurance

Có thể rút ra được nhiều bài học đầu tư từ thương vụ mua lại General Re-insurance của Warren Buffett. Trong thư gửi cổ đông năm 2001, ông nói chi tiết hơn về lý do Berkshire bị ảnh hưởng là bởi thương vụ này, bao gồm việc phải bảo lãnh các khoản lỗ lâu dài, bỏ qua nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố và không nhận ra General Re không có đủ tiền dự phòng để bù đắp các khoản lỗ do chính sách cũ gây ra. Vì vậy, Berkshire đã chịu khoản lỗ 800 triệu USD từ năm 2001.

Bài học: Hãy kiểm tra cẩn thận các con số tài chính và nhờ các cố vấn tài chính đáng tin cậy phân tích. Bạn luôn phải nghĩ tới tình huống xấu nhất có thể xảy ra và cái giá bạn phải trả.

  1. Không mua cổ phiếu Amazon sớm hơn (những năm 2000)

Buffett nói rằng không mua Amazon là một trong những sai lầm lớn nhất của ông. Lúc đó, Buffett đánh giá amazon như sau:

Tôi không nghĩ rằng người sáng lập Jeff Bezos có thể thành công với quy mô mà anh ấy có. 

Cho rằng Amazon đã tăng vọt giá trị để trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới và Jeff Bezos hiện là người giàu nhất toàn cầu, công bằng mà nói, điều này vẫn tiếp tục ám ảnh Buffett cho đến ngày nay.

Trong cuộc phỏng vấn với Squawk Box vào tháng 2/2017, nhà đầu tư huyền thoại từng được hỏi về lý do không mua cổ phiếu Amazon. Ông thừa nhận mình không tìm ra được câu trả lời.

“Rõ ràng, tôi nên mua cổ phiếu đó từ lâu rồi mới phải vì tôi cũng ngưỡng mộ Amazon. Nhưng khi đó, tôi không hiểu rõ về sức mạnh của mô hình này. Tôi cho rằng giá cổ phiếu dường như luôn phản ánh quá mức sức mạnh của mô hình này. Vì vậy, tôi đã bỏ lỡ một cơ hội lớn”, Buffett nói.

Ông Buffett không bao giờ xuống tiền đầu tư vào những doanh nghiệp mà ông không am hiểu. Điều này rõ ràng có mặt xấu và mặt tốt. Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2019, Berkshire sở hữu 537.300 cổ phiếu Amazon với tổng giá trị vào khoảng 947 triệu USD. Đây rõ ràng là bước đi bắt kịp với xu hướng của ông Buffett.

Bài học: Chống lưng cho các công ty một cách mù quáng không phải là một bước đi thông minh, nhưng né tránh cũng không phải là một suy nghĩ khôn ngoan. Hãy hợp tác với một người mà thế mạnh của họ khác với thế mạnh của mình, điều đó sẽ giúp bạn nắm bắt được những cơ hội đầu tư tuyệt vời.

  1. Mua một lượng lớn cổ phiếu Conoco Phillips

Trong thư gửi cổ đông năm 2008, tỷ phú Buffett cho hay: “Không cần Charlie hay bất kỳ ai thúc giục, tôi đã mua một lượng lớn cổ phiếu Conoco Phillips khi giá dầu và khí đốt lên sát kỷ lục. Tôi không hề lường trước được diễn biến giá năng lượng sụt giảm mạnh trong nửa cuối năm (2008)”.

Khi đó, ông chi hơn 7 tỷ USD để mua 85 triệu cổ phiếu Conoco Phillips mà giá thị trường của số cổ phiếu này khi đó chỉ vào khoảng 4,4 tỷ USD.

Bài học: Tham khảo ý kiến của những người mà bạn tin tưởng trước khi đưa ra quyết định đầu tư lớn là bước rất quan trọng. Đôi khi góc nhìn khác của mọi người lại là cách tốt nhất để bạn nhìn ra được bức tranh lớn hơn.

  1. Không tìm hiểu sâu về cổ phiếu Lubrizol Corp

Năm 2011, ông Warren Buffett và Berkshire bị chỉ trích gay gắt sau khi có thông tin David Sokol, chủ tịch của một số công ty con thuộc tập đoàn, gợi ý cho tỷ phú Warren Buffett về việc mua lại công ty hóa dầu Lubrizol. Vấn đề là Sokol khi đó đang sở hữu cổ phần của công ty hóa chất này.

Berkshire mua lại Lubrizol với giá gần 9 tỷ USD và Sokol kiếm được khoản lợi nhuận 3 triệu USD. Việc Sokol không tiết lộ việc mình sở hữu cổ phiếu Lubrizol với Buffett đã vi phạm các quy định giao dịch nội bộ. Vị tỷ phú 90 tuổi không nhận ra sai lầm của mình ngay lúc đó, nhưng trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2011, ông thừa nhận đáng lẽ nên điều tra kỹ hơn về Lubrizol và David Sokol.

Bài học cho nhà đầu tư ở dây là bạn không nên quá tin ai cả. Hãy tìm hiểu thật nhiều về đối tác để có thể toàn tâm – toàn ý ký vào thương vụ.

  1. Đầu tư vào Tesco

Berkshire sở hữu 415 triệu cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ Tesco (Anh) vào cuối năm 2012. Tập đoàn này đã bán một phần cổ phiếu nhưng vẫn nắm giữ rất nhiều. Năm 2014, Tesco đã phóng đại lợi nhuận và kết quả là cổ phiếu lao dốc.

Trong thư gửi cổ đông năm 2014, Buffett cho biết những lo ngại về hệ thống quản lý của Tesco là nguyên nhân khiến ông bán cổ phiếu lần đầu, giúp vị tỷ phú thu về khoản lợi nhuận 43 triệu USD. Tuy nhiên, ông đã không nhanh tay bán nốt phần còn lại.

“Với tư cách là một nhà đầu tư cẩn trọng, tôi rất xấu hổ khi phải nói với mọi người rằng tôi nên bán cổ phiếu Tesco sớm hơn. Tôi đã mắc một sai lầm lớn với khoản đầu tư này vì thái độ chần chừ”, ông Buffett viết. Ông cho biết sai lầm này khiến công ty lỗ sau thuế 444 triệu USD.

Bài học: Phải dũng cảm để đưa ra quyết định đúng lúc.

  1. Ôm khoản nợ của Energy Future Holdings

Vào năm 2013, Warren Buffett, trong bức thư gửi tới các cổ đông, Buffett giải thích về sai lầm của mình trong thương vụ với công ty đầu tư Energy Future.

“Berkshire Hathaway mua lại 2 tỷ USD nợ của Energy Future sau khi tôi có cuộc bàn thảo với Charlie” (tức Charlie Munger, phó chủ tịch của Berkshire Hathaway) Trước đó, Energy Future đã vay nợ tới 8 tỷ USD để dùng trong việc đầu tư.

Warren Buffett đã dự đoán chính xác rằng Energy Future sẽ phá sản. Điều này quả thật xảy ra vào năm 2013, và Berkshire Hathaway nhờ bán thanh lý tài sản để thu lại hơn 259 triệu USD. Tuy vậy, Warren Buffett vẫn phải chịu lỗ tất cả 873 triệu USD.

Bài học: Trước khi đưa ra một quyết định lớn, hãy tham khảo ý kiến của đối tác thương mại hoặc người đáng tin cậy.

  1. Đánh giá quá cao các khoản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và bán lẻ

Trong bức thư gửi cổ đông năm 2015, Warren Buffett đề cập đến những công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và bán lẻ trong danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway. Ông cho biết một số doanh nghiệp trong danh mục của Berkshire có lợi nhuận kém và ông coi đó là những sai lầm nghiêm trọng.

“Trong hầu hết trường hợp, tôi đã đánh giá sai động lực kinh tế của công ty hoặc lĩnh vực mà công ty đó đang hoạt động. Bây giờ chúng ta đang phải trả giá cho những đánh giá sai lầm của tôi. Cũng có lúc, tôi đã đánh giá sai lòng trung thành hoặc khả năng của những lãnh đạo hiện tại hoặc người mà tôi bổ nhiệm sau này”, ông viết.

Bài học: Đừng nhảy vào đầu tư một cách mù quáng. Đừng bao giờ quá tin tưởng vào những gì bạn tìm hiểu được về doanh nghiệp bạn dự định rót vốn. Hãy tìm đến những chuyên gia để có được lời khuyên tốt nhất từ họ.

  1. Bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Google

Danh mục đầu tư của Buffett không hề có cổ phiếu của Google và đây là một trong những hối tiếc của ông. Trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Buffett thừa nhận đã mắc sai lầm khi không mua cổ phần của gã khổng lồ công nghệ cách đây nhiều năm. Khi đó, Google được Geico, một trong những công ty con của Berkshire, trả 10 USD trên mỗi một click.

Buffett không mua cổ phiếu Google trong quá khứ vì ông không hiểu mô hình của công ty này. Ông cho rằng bản thân lẽ ra nên tìm hiểu Google vì ông khi đó là một khách hàng trong mảng kinh doanh quảng cáo của công ty này.

Bài học: Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội sinh lời ngay trong tầm mắt mình.

  1. Lỡ mất khoản lãi 10 tỷ USD từ cổ phiếu Wells Fargo

Berkshire từng là cổ đông lâu năm của Wells Fargo và nắm giữ đến 345 triệu cổ phiếu của ngân hàng này tính đến thời điểm cuối năm 2019. Trong những năm qua, Warren Buffett từng nhiều lần khen ngợi cách quản lý của Wells Fargo.

Theo nhiều nguồn tin, Berkshire đã bắt đầu đầu tư vào Wells Fargo từ khoảng năm 1989 và liên tục chi tiền để gom cổ phần của ngân hàng này trong 31 năm qua.

Do đó, thật bất ngờ khi nhà đầu tư huyền thoại quyết định bán cổ phần của Berkshire tại Wells Fargo vào năm 2020 vì ông muốn tìm cách giảm mức độ tiếp xúc của Berkshire với lĩnh vực tài chính. Song, Berkshire vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu tại Bank of America và American Express.

Giá cổ phiếu của Wells Fargo đã giảm từ 50 USD xuống trung bình 20 USD trong đợt bán tháo trên diện rộng hồi quý 2 năm 2020. Đây cũng chính là thời điểm tỷ phú Warren Buffett bắt đầu bán cổ phần tại Wells Fargo. Barron’s ước tính, Berkshire đã bán ra với giá trung bình khoảng 26 USD cho một cổ phiếu.

Kết phiên 14/01/2022, nhờ kết quả kinh doanh quý 4 năm 2021 mạnh mẽ, giá cổ phiếu của Wells Fargo đã tăng 2 USD lên 58 USD trên một cổ phiếu. Theo đó, Berkshire đã bỏ lỡ khoản lãi khoảng 10 tỷ USD.

  1. Hụt thêm 5 tỷ USD từ hai cổ phiếu ngân hàng khác

Ngoài ra, Berkshire cũng bán khoảng 60 triệu cổ phiếu của JPMorgan Chase và 12 triệu cổ phiếu của Goldman Sachs trong năm 2020 với mức giá thấp hơn nhiều giá hiện tại, Barron’s nhấn mạnh.

Việc bán cổ phần của JPMorgan Chase cũng gây bất ngờ vì tỷ phú Buffett từ lâu đã là một người hâm mộ lớn của CEO Jamie Dimon. Nhà hiền triết xứ Omaha từng cho biết, ông sở hữu cổ phiếu của JPMorgan Chase với tư cách cá nhân nhưng sau đó quyết định bỏ ra gấp đôi số tiền để mua với tư cách Berkshire.

Barron’s ước tính, Berkshire đã bán cổ phiếu của JPMorgan Chase với giá khoảng 95 USD/cp, trong khi mức giá hiện tại là khoảng 160 USD/cp. Tương tự, Berkshire bán cổ phiếu của Goldman Sachs với giá 200 USD/cp nhưng giờ giá đã lên khoảng 383 USD/cp. Tổng cộng, Berkshire có thể đã hụt mất khoản lời 5 tỷ USD trong hai thương vụ này.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, lần mua cổ phiếu lớn duy nhất của Buffett là thương vụ mua 8 tỷ USD cổ phiếu của Verizon Communications. Tuy nhiên, giá của Verizon Communications đã giảm khoảng 10% so với giá mua của Berkshire và đang hụt hơi đáng kể so với thị trường nói chung.

Những bài học lớn từ Warren Buffett.

Donald Raymond Keough, cố giám đốc điều hành của Tập đoàn nước giải khát nổi tiếng thế giới – Coca- Cola và cũng là người hàng xóm, người bạn lâu năm của Warren Buffett nhận xét về ông như sau: “Ông ấy có những giá trị không bao giờ thay đổi. Câu chuyện của ông ấy không phải về tiền. Đó là về giá trị. Mọi người nên biết về những giá trị của ông ấy.” Đúng vậy, ngoài khối lượng tài sản khổng lồ đưa ông vào top đầu danh sách tỷ phú của Forbes, với một đế chế đầu tư lớn nhất thế giới nắm giữ cổ phần ở hàng loạt công ty tỷ đô, giá trị của Buffett nằm ở những lý thuyết đầu tư giá trị ông theo đuổi, triết lý đầu tư ông xây dựng, phương pháp đầu tư ông tuân thủ, và cả những bài học đắt giá trong quá trình đầu tư của ông.

Đừng nhặt mẩu thuốc lá sắp tàn.

Khi mua một cổ phiếu với giá đủ thấp, thường thì việc kinh doanh của công ty sẽ có lúc khởi sắc, mang lại cơ hội để nhà đầu tư thoát hàng với lợi nhuận tươm tất, dù triển vọng dài hạn có thể rất tồi tệ. Warren Buffett gọi cách tiếp cận đầu tư này là “đầu mẩu thuốc lá”. Mẩu thuốc lá vứt trên đường chỉ còn một hơi không thể thỏa mãn người hút, nhưng “giá hời” sẽ biến hơi thuốc đó thành lợi nhuận.

Theo Chủ tịch Berkshire Hathaway, cách tiếp cận đầu tư như trên là ngu ngốc. Thứ nhất, mức giá hời ban đầu có thể sẽ không thực sự là món bở. Trong một doanh nghiệp khó khăn, khi một vấn đề kết thúc thì vấn đề mới sẽ nhanh chóng xuất hiện.

Thứ hai, bất kỳ lợi ích ban đầu nào bạn có được cũng sẽ nhanh chóng bị hao mòn bởi lợi nhuận bèo bọt mà doanh nghiệp mang về. Ví dụ, nếu bạn bỏ 8 triệu USD cho một doanh nghiệp có thể nhanh chóng được bán hoặc thanh lý với giá 10 triệu USD, bạn có thể ghi nhận khoản lãi lớn. Nhưng khoản đầu tư này sẽ rất đáng thất vọng nếu doanh nghiệp được bán lại với giá 10 triệu USD sau một thập kỷ và trong khoảng thời gian 10 năm này chỉ sản sinh được vài % tỷ suất lợi nhuận.

Thời gian là bạn của công việc kinh doanh tuyệt vời nhưng là thù của kẻ tầm thường.

Để thực sự thấm nhuần nguyên lý này, Warren Buffett đã phải trải qua không ít đớn đau. Không lâu sau khi giành quyền kiểm soát Berkshire Hathaway, Warren Buffett mua lại cửa hàng bách hóa Hochschild – Kohn.

Warren Buffett tin đây là một thương vụ ăn chắc: Giá mua của ông thấp hơn hẳn giá trị sổ sách, đội ngũ quản lý hạng nhất và giá trị bất động sản thậm chí còn chưa được ghi nhận. Nhưng phải ba năm sau đó, Warren Buffett mới “may mắn” tống khứ được khoản đầu tư này với giá bằng với giá mua.

Không ai chạy được trên cát lún.

Bài học tiếp theo của Warren Buffett: Vận động viên giỏi sẽ đạt thành tích cao với những con ngựa tốt, nhưng không thể làm nên trò trống gì với ngựa què.

Việc kinh doanh dệt may của Berkshire và Hochschild – Kohn đều được thực hiện bởi những người trung thực và có năng lực. Những nhà quản lý này sẽ đạt được thành tích đáng nể nếu họ làm việc trong doanh nghiệp có đặc tính kinh tế tốt. Nhưng họ sẽ chẳng bao giờ đạt được tiến triển nào khi chạy trên cát lún.

Khi nhà quản lý tài giỏi đương đầu với doanh nghiệp có đặc tính kinh tế xấu, thì chỉ có đặc tính của doanh nghiệp là còn nguyên vẹn, còn tên tuổi của người quản lý sẽ bị tiêu tan.

Chọn đường dễ mà đi.

Sau hàng chục năm mua lại và giám sát một loạt doanh nghiệp, Warren Buffett viết rằng cả ông lẫn phó tướng Charlie Munger đều không học cách giải quyết những rắc rối kinh doanh khó khăn. Thành công của hai người đến từ việc tập trung vào việc phát hiện những doanh nghiệp có rào cản thấp đến gần sát đất thay vì hạ bệ những rào cản cao chọc trời.

Điều này nghe có vẻ hơi bất công, nhưng trong kinh doanh lẫn đầu tư, thông thường bạn sẽ có lợi hơn nhiều khi gắn bó với lựa chọn đơn giản và dễ dàng thay vì giải quyết khó khăn. Trong một số trường hợp, nhà đầu tư buộc phải giải quyết vấn đề hóc búa, giống như khi Warren Buffett mua lại tờ báo Chủ Nhật tại Buffalo.

Trong trường hợp khác, cơ hội đầu tư lớn xuất hiện khi một doanh nghiệp tuyệt vời mắc phải một vấn đề lớn nhưng có thể được khắc phục, giống như những gì American Express và Geico trải qua. Nhưng nhìn chung, “Chúng tôi thà né tránh rồng còn hơn là giết chúng”, Warren Buffett kết luận.

0 0 votes
Article Rating
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x